Tất tần tật du lịch Điện Biên – khám phá miền biên cương Tây Bắc 

Du lịch Điện Biên Với vẻ đẹp của thiên nhiên, lịch sử và bản sắc dân tộc:  “lòng chảo” Điện Biên trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình chinh phục núi rừng Tây Bắc của du khách thập phương. Bỏ túi những kinh nghiệm du lịch trước khi đặt chân đến vùng đất lịch sử này thông qua bài viết dưới đây!

Dọc nẻo đường Điện Biên. Ảnh: Báo Thanh Niên  

Điện Biên – vùng đất lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc 

Cách Hà Nội gần 500km, Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc, tiếp giáp với Lai Châu và Sơn La, có biên giới hai nước láng giềng là Lào và Trung Quốc.

Địa hình Điện Biên chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt mạnh và hiểm trở, xen lẫn thung lũng, sông suối nhỏ. Khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao với mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng. 

Điện Biên giàu tiềm năng du lịch. Ngoài các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật của vùng đất này. Đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và bản sắc văn hóa của cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống. Điều này đã thu hút và giữ chân du khách ghé thăm. Du khách có trải nghiệm đa dạng khi đến Điện Biên bởi mỗi mùa trong năm, thiên nhiên nơi đây khoác lên mình vẻ đẹp riêng biệt. 

du lịch điện biên
du lịch điện biên

Mùa hoa ban bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến giữa tháng 4 hàng năm. Ảnh: VnExpress 

Những năm gần đây, du lịch Điện Biên phát triển vượt trội với những con số ấn tượng. Năm 2023, địa phương đón hơn 1 triệu lượt khách với tổng doanh thu đạt hơn 1.700 tỷ đồng (số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên). 


Phương tiện di chuyển đến và ở Điện Biên 

Hệ thống giao thông được cải thiện và nâng cấp hàng năm, phương tiện di chuyển nhanh chóng và đảm bảo an toàn, dịch vụ chỉ dẫn tiện lợi với độ chính xác cao… là những thuận lợi nổi bật khi di chuyển đến và ở vùng đất trữ tình hào hùng này. 

Di chuyển đến Điện Biên 

Với đường hàng không, hai chặng bay đang được khai thác là Hà Nội – Điện Biên (hãng bay Vietnam Airlines, tần suất mỗi ngày, vé khứ hồi giao động từ 1,6 – 2,8 triệu đồng) và TP HCM – Điện Biên (hãng bay Vietjet, tần suất 3 chuyến/ tuần, giá vé khứ hồi khoảng 2 triệu đồng). 

Với đường bộ, di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Điện Biên Phủ mất khoảng 10 giờ đồng hồ. Bạn có thể đi theo tuyến QL6, CT08, CT02 qua Hoà Bình hoặc DT87, QL32, QL37 qua Hòa Bình và Sơn La. 

Nếu đi xe khách, giá vé giao động từ 350.000 – 500.000 đồng, đa dạng khung giờ và các chuyến trong ngày. Xe khởi hành từ bến xe hoặc có dịch vụ đưa đón. Du khách có thể tham khảo một số nhà xe như Lê Dũng, Xuân Long, Nam Oanh, Thông Lan, Điện Lý, Đức Quyến, Lý, Chinh Lê…

du lịch điện biên

Nếu đi xe cá nhân, du khách cần chuẩn bị lịch trình cụ thể và đảm bảo chất lượng xe, lái xe an toàn vì đường lên Điện Biên nhiều đèo, dốc cũng như có sương mù làm giảm tầm nhìn nếu đi vào mùa đông. Trong quá trình di chuyển, bạn có thể dừng nghỉ tại đèo Đá Trắng, Thung Khe (Hòa Bình), cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), trung tâm thành phố Sơn La. 

du lịch điện biên

Đèo Thung Khe (đèo Đá Trắng) trùng điệp trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ

Di chuyển ở Điện Biên 

Tới Điện Biên, du khách có thể thuê xe máy hoặc ô tô để dễ dàng khám phá các cung đường, địa điểm thú vị. Giá thuê xe máy giao động từ 150.000 – 300.000 đồng/ ngày; giá thuê ô tô khoảng từ 1,5 – 3 triệu đồng/ ngày (bao gồm lái xe). 

Bạn cũng có thể thuê taxi, tuy nhiên giá taxi tại Điện Biên tương đối cao nên hãy tìm hiểu và cân nhắc kỹ để có quyết định đúng đắn nhất. 


địa điểm nhất định phải tham quan, trải nghiệm khi đến Điện Biên

Du lịch lịch sử ở Điện Biên

Các điểm du lịch lịch sử nằm liền kề trong cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ nên du khách không mất nhiều thời gian di chuyển và có thể ghé thăm trong một buổi. 

  • Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: nằm ở phường Mường Thanh với điểm nhấn đặc biệt là bức tranh panorama thể hiện ấn tượng và chân thực về các giai đoạn của chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. 

Toàn cảnh bảo tàng nhìn từ trên cao

  • Đồi A1: nằm ở phường Mường Thanh, nơi đây được coi là “cuống họng” bảo vệ trung tâm, một trong những cứ điểm quan trọng nhất trong trận chiến lịch sử. Tới đây, ngoài tham quan, lắng nghe câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ và đời sống sinh hoạt của các chiến sĩ, du khách có cơ hội trực tiếp tham gia một số hoạt động như đẩy xe đạp thồ chở nhu yếu phẩm, nấu cơm chiến sĩ bằng bếp Hoàng Cầm…
Du lịch Điện Biên
Đồi A1, du lịch ĐIện Biên nhất định phải đến

Toàn cảnh đồi A1. Ảnh: Báo Thanh Niên 

  • Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng: cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, sở chỉ huy nằm ở chân núi Pú Đồn. Ẩn nấp dưới tán cây cổ thụ, đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc và nghỉ ngơi. Tại địa điểm này, du khách dễ dàng quan sát toàn cảnh thành phố và cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. 

Đoàn du khách check-in tại cổng vào khu di tích. Ảnh: VietSense Travel

  • Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1: nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, gần đồi A1. Nghĩa trang là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến sinh tử, phần lớn là các ngôi mộ vô danh “không ai biết mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước”. 

Toàn cảnh nghĩa trang. Ảnh: Báo Dân Việt  

Du lịch tự nhiên

  • Đèo Pha Đin: dài 32 km, được mệnh danh là một trong tứ đại đại đỉnh đèo của nước ta, nằm ở vị trí giáp ranh giữa Thuận Châu (Sơn La) với Tuần Giáo (Điện Biên). 

Du khách thỏa sức phiêu lưu trên những cung đường núi non hùng vĩ

Địa hình hiểm trở với các đoạn lên xuống quanh co khúc khủy tạo nên nét riêng ấn tượng của đèo. Du khách có thể dừng chân ngắm cảnh, nghỉ ngơi và check-in tại khu du lịch Pha Đin Pass khi tới địa danh này. 

  • Cánh đồng Mường Thanh: nổi tiếng là cánh đồng lúa lớn nhất Tây Bắc với diện tích hơn 140 km2, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm. Đến Mường Thanh từ khoảng cuối tháng 9, bạn sẽ mãn nhãn với khung cảnh đồng lúa bát ngát sắc vàng – màu sắc tuyệt đẹp của đất trời. 

Khung cảnh “lòng chảo” màu mỡ giữa núi rừng Tây Bắc

  • A Pa Chải: thuộc xã Sín Thầu (Mường Nhé), là điểm đến được các tín đồ mê phượt và leo núi mạo hiểm yêu thích chinh phục. A Pa Chải có cột mốc tọa độ số 0, nằm trên đỉnh Khoan La San, là ranh giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. 

Du khách nên tham quan A Pa Chải vào giữa tháng 1, tháng 2 để chiêm ngưỡng biển mây hùng vĩ, màu xanh rờn của cây cối và những thửa ruộng mới gieo mạ. Trái lại, nếu tới đây vào độ tháng 9 – tháng 12, bạn sẽ thấy một A Pa Chải nhuộm trong sắc vàng của lúa chín và hoa dã quỳ. Ngoài ra, du khách có thể tham gia chợ phiên – một nét đẹp văn hóa vùng cao được tổ chức vào ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng. 

Nông sản địa phương cùng những bộ trang phục nhiều màu sắc là hình ảnh quen thuộc trong các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Tạp chí Công thương 

Vì đây là vùng biên giới nên để chinh phục A Pa Chải, hãy đem đầy đủ giấy tờ tùy thân để đăng ký tại đồn biên phòng 317. Đồng thời, địa hình khu vực này vô cùng hiểm trở nên nếu tới đây vào mùa mưa, du khách nên đi theo đoàn và có người hướng dẫn để đảm bảo an toàn. 

  • Suối nước nóng U Va: thuộc xã Noọng Luống (Điện Biên) với diện tích hơn 73.000 m2, cách trung tâm Điện Biên Phủ khoảng 15km. Từ tháng 11 – tháng 4 năm sau là khoảng thời gian thích hợp nhất để khám phá suối. Ngoài tận hưởng thiên nhiên, thư giãn cả về thân – tâm – trí, du khách có thể tham gia các hoạt động giải trí, thể thao cùng người dân bản địa. 

Du khách nên ngâm khoáng nóng vào sáng sớm hoặc buổi chiều 

Du lịch văn hóa

Lịch trình du lịch Điện Biên tuỳ thuộc vào mong muốn và sở thích của du khách. Mộc Châu Mộc gợi ý một lịch trình mà bạn có thể tham khảo khi đến với Điện Biên, cụ thể như sau: 

  • Bản Che Căn: nằm ở xã Mường Phăng (Điện Biên), đây là nơi sinh sống của hơn 100 gia đình người Thái đen với lịch sử lâu đời. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng với sinh thái, văn hoá, lịch sử không chỉ tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương mà còn giúp nét đẹp văn hoá bản địa được bảo tồn và phát triển bền vững. 

Nhà sàn là kiểu kiến trúc đặc trưng của người Thái 

  • Bản Pe Luông: trong tiếng Thái, “pe luông” nghĩa là “đoàn kết”. Người Thái từ xưa về Pe Luông khai hoang, an cư lạc nghiệp với nghề trồng trọt, chăn nuôi và dệt vải là chủ yếu. Tới Pe Luông, du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hoá, văn nghệ, ẩm thực đặc sắc, hòa mình cùng thiên nhiên trong lành của đất trời Điện Biên.

Ở Điện Biên ăn gì?

Ẩm thực Điện Biên gắn liền với các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Các món ăn thu hút du khách bởi sự mộc mạc, giản dị nhưng mang hương vị riêng đậm đà bản sắc. 

  • Xôi nếp nương: những hạt gạo dẻo thơm từ cánh đồng Mường Thanh được đựng trong chõ tre, lá chuối nức lòng du khách thập phương. Xôi thường được dùng kèm với thịt nướng, gà nướng, phổ biến trong các nhà hàng, quán ăn tại địa phương. 

   

Màu sắc của xôi được tạo ra từ lá cây, củ quả không chỉ ngon mà còn có giá trị về thẩm mỹ. 

  • Cá nướng (Pa Pỉnh Tộp): người Thái gọi món cá nướng với cái tên Pa Pỉnh Tộp. Thịt cá tươi ngọt kết hợp với các gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, cách nướng độc đáo tạo nên thương hiệu của món ăn này. Cá nướng chín vỏ ngoài giòn, thịt trong mềm, thơm mùi mắc khén và mầm măng của cây sa nhân. 

Cá nướng được ăn kèm với các loại rau thơm và không thể thiếu chẩm chéo

  • Thịt lợn băm gói lá nướng (Nhứa pho): thịt lợn thái nhuyễn gói chặt trong nhiều lớp lá chuối rồi đem hấp cách thủy một giờ đồng hồ. Khi chín, món ăn có mùi thơm đặc trưng của thịt và lá chuối. 
  • Rêu đá: mùa rêu kéo dài từ tháng 9-10 âm lịch đến hết tháng 5. Rêu mọc tự nhiên trong các khe đá ở sông, suối. Tới mùa rêu, người dân lấy về chế biến thành nhiều món đa dạng: rêu hấp, nộm rêu, rêu nướng hoặc phơi khô để cất trữ.  

Đến Điện Biên, sẽ thật thiếu sót nếu bạn không thưởng thức món rêu nướng 

Chẩm chéo: một loại gia vị cổ truyền phổ biến của đồng bào dân tộc Thái ở vùng núi Tây Bắc. Chẩm chéo được tạo ra từ hạt mắc khén rang giòn, giã nhuyễn kết hợp với muối, hạt dổi, húng lủi, cá cơm, tỏi, ớt, rau thơm…

Chẩm chéo được dùng để chấm các món nướng, luộc và ăn kèm với rau sống

Lưu trú, nghỉ ngơi ở đâu KHI DU LỊCH ĐIỆN BIÊN? 

Tùy theo nhu cầu và sở thích, du khách dễ dàng lựa chọn được loại hình nghỉ ngơi phù hợp khi đến Điện Biên. 

  • Khách sạn: chủ yếu tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ như Khách sạn Mường Thanh Điện Biên, Điện Biên – Hải Vân, Him Lam Hotel, Phương Nam… giá giao động từ 700.000 – 1,2 triệu đồng/ đêm. 
  • Nhà nghỉ: tập trung nhiều ở dọc đường Nguyễn Chí Thanh (đường 15m) như Hải Thi, 555, Mường Then, Phương Đức… với giá từ 150.000 – 250.000 đồng/ đêm. 
  • Homestay: các homestay được du khách yêu thích bởi phong cách đa dạng, giá cả phải chăng, không gian ấm cúng đậm chất bản làng. Mường Thanh Homestay Điện Biên, Homestay Phương Đức, Tà Xùa Hills Homestay, Homestay bản văn hóa Co Mỵ… là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo. 

Dừng nghỉ tại Mộc Châu

Đồi chè trái tim Love Mộc Châu tại tiểu khu S89, Thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Mộc Châu Mộc 

Nếu di chuyển tự túc bằng phương tiện cá nhân, du khách có thể xuất phát vào buổi chiều và khám phá, nghỉ ngơi tại cao nguyên Mộc Châu một đêm. 

Dừng chân tại Mộc Châu, bạn có thể tham quan rừng thông Bản Áng, đồi chè trái tim Mộc Châu, thung lũng mận Nà Ka, trang trại bò sữa…; dùng bữa tối tại nhà hàng cá hồi 64, nhà hàng Hương Núi, quán Xuân Bắc, nhà hàng Tuân Gù, Bếp mệ Tình… trong trung tâm Mộc Châu; nghỉ ngơi tại khách sạn Mường Thanh, Thảo Nguyên Resort, khách sạn Hương Sen… hoặc các nhà nghỉ, homestay xung quanh. 

Mộc Châu chắc chắn sẽ là điểm dừng lý tưởng trong chuyến du ngoạn núi rừng Tây Bắc của bạn. 


Lịch trình du lịch Điện Biên PHỦ lý tưởng nhất 

Ngày 1: Hà Nội – Mộc Châu (180 km)

  • Khởi hành từ Hà Nội
  • Tham quan Đồi chè Trái tim hoặc rừng thông Bản Áng, nông trại bò sữa… 
  • Ăn trưa tại Nhà Hàng Đông Hải hoặc Gia Nguyễn, Hoa Mộc Châu…
  • Ăn tối tại nhà hàng xung quanh thị trấn (Tuân Gù, Cá hồi 64, Dê Trần Thế, Nhiệt Đới…) 
  • Nghỉ đêm tại Mộc Châu (Khách sạn Mường Thanh, Resort Thảo Nguyên…)

Ngày 2: Mộc Châu – Sơn La –  Điện Biên (300 km)

  • Thăm quan Nhà Tù Sơn La, ăn trưa tại Sơn La
  • Tham quan cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
  • Khám phá chợ Mường Thanh
  • Nghỉ ngơi, ăn uống tại homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa, văn nghệ của địa phương

Ngày 3: Điện Biên – Hà Nội (450 km)

  • Du ngoạn hồ Pá Khoang 
  • Tham quan, ăn trưa tại bản Che Căn 
  • Trải nghiệm tại suối nước nóng U Va 
  • Quay trở về Hà Nội 

Đi Điện Biên mua gì làm quà?

Ẩm thực Điện Biên mộc mạc, dân dã với hương vị độc đáo khiến du khách thử một lần là nhớ mãi. Một số đặc sản nổi tiếng, phù hợp để làm quà biếu, tặng mà bạn có thể tham khảo khi đi du lịch Điện Biên. 

  • Măng rừng khô
  • Rượu sâu chít
  • Bánh khẩu xén
  • Gạo Điện Biên
  • Mật ong rừng
  • Cà phê Mường Ảng

Du khách có thể mua các sản phẩm này tại chợ Mường Thanh, các chợ phiên, địa điểm tham quan hoặc các cửa hàng xung quanh địa phương… Một số đặc sản được người dân bày bán dọc đường, hãy tham khảo giá cả, chất lượng trước khi quyết định mua để có được món quà ý nghĩa nhất. 

Trên đường di chuyển về Mộc Châu, có thể mua đặc sản Mộc Châu tại Mộc Châu Food, siêu thị đặc sản uy tín nhất vùng


Một số lưu ý khác KHI DU LỊCH ĐIỆN BIÊN

  • Du khách nên mang đủ giấy tờ tùy thân để tránh mất thời gian trong trường hợp cần thiết. 
  • Chuẩn bị tiền mặt bởi một số điểm đến không có nhiều cây ATM và chuyển tiền trực tuyến chưa quá phổ biến. 
  • Tránh đến Điện Biên vào mùa mưa bởi nguy cơ sạt lở cao.

Thông qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đã sẵn sàng cho hành trình chinh phục vùng biên cương vững trãi phía Tây Bắc tổ quốc rồi phải không? Xách ba lô lên và đi ngay thôi! Nếu có thắc mắc và cần từ vấn thêm, hãy liên hệ ngay cho Mộc Châu Mộc và đừng quên chia sẻ, giới thiệu cẩm nang du lịch Điện Biên để gia đình, bạn bè cùng biết nhé!