Cứ mỗi độ Thu sang là đâu đâu cũng nao nức, lao xao tiếng í ới hẹn hò nhau tới phiên Chợ Tình thấm đẫm tình yêu đôi lứa sóng sánh váy hoa, lốc cốc vó ngựa
“Xuống núi tìm em
Trong ngực có tiếng vó ngựa
Chợ tình nằm dưới chân núi
Mà ta hẹn nhau đầu dốc…” *
Đã từ lâu, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, người Mông vẫn luôn coi ngày 2/9 là ngày lễ độc lập riêng của dân tộc mình, vui lắm, phấn khởi lắm. Ánh điện đã về với bản làng, lũ trẻ đã được đến trường, nhà ở đã kiên cố hơn và nhà nhà đã có ti vi để xem, có xe máy để đi, có điện thoại để trao đổi thông tin liên lạc… Tất cả là nhờ ơn Cụ Hồ, hồn thiêng của Cụ vẫn quanh đây với con cháu dân tộc vùng núi cao Tây Bắc. Nên hàng năm, nhân dân các dân tộc tụ hội về đây để tưởng nhớ ngày sinh ra nước Việt Nam, tưởng nhớ đến công lao của Cụ Hồ.
Vào những ngày này, bắt đầu từ 31/8, khắp nơi trong vùng đã náo nức chuẩn bị đi dự hội. Những người phụ nữ mải miết cấy hái, chuẩn bị váy áo đẹp nhất để đến chợ mua sắm, những người đàn ông tranh thủ làm lụng kiếm thêm chút tiền để xuống chợ uống rượu, để hẹn hò, để trao nỗi nhớ thương ngày đêm mong ngóng với người mình thương…
Khi nói đến Chợ Tình, thường người ta chỉ nghĩ đến Sapa, một phiên chợ cực kì nổi tiếng bấy lâu nay ở Việt Nam, mà ít ai nghĩ tới Mộc Châu, một huyện nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, một cao nguyên trù phú, khí hậu mát lạnh tuyệt vời với những trang trại bò sữa, đồi chè xanh mướt ngút tầm mắt, hoa Đào, hoa Mận nở bung khắp các sườn đồi đầy mơ mộng , rồi những vườn Cải vàng rực, trắng muốt đẫm sương long lanh trong nắng sớm khi mỗi độ Xuân về…
Mà không chỉ có mỗi người Mông ở Mộc Châu đón Tết Độc lập, còn có anh em người Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên… của tỉnh Sơn La, người Mông ở Thanh Hoá, Nghệ An ra; người Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang xuống…
Ở đâu, khi gặp nhau, dù không quen biết, người Mông đều coi là anh em cả, tay bắt mặt mừng, tình nghĩa nặng sâu. Chỉ cần tiếp xúc với người Mông một lần, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự chân thành, mộc mạc, hồ hởi, giản dị mà sâu sắc đến không ngờ.
Từ ngày 31/8, khắp đường phố đã phấp phới cờ hoa, khắp các con đường mòn vào bản đã rộn ràng không khí đón ngày lễ. Mà đâu phải có mỗi người Mông rạo rực đón chào ngày này, mà các dân tộc anh em khác trong tỉnh cũng như trong cả nước cũng tụ tập về đây cùng chung vui và hoà mình vào không khí tự do náo nức như ngày đầu nước nhà đón lễ độc lập.
Không ít anh chị em người Kinh xúng xính trong bộ váy áo dân tộc Mông, Dao, Thái… chụp ảnh lưu niệm với dân bản địa bởi không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm lễ hội độc nhất vô nhị trong năm này. Phải nhễ nhại mồ hôi, cười nói hết mình, chen lấn xô đẩy một chút và thêm ít men say bạn mới có thể nồng nhiệt xoay tròn theo nếp váy của các cô gái Mông e ấp như con hươu, con nai trên rừng, nhưng lại tràn trề nhựa sống như cánh đào phai trong nắng sớm.
Trên các đường phố, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Mông ngồi trên lưng ngựa, bắp chân chắc nịch của người quen trèo đèo, lội suối, nếp váy thổ cẩm rực rỡ phủ xoà trên lưng con ngựa thồ đủng đỉnh gõ móng trên đường nhựa, cô nào má cũng đỏ bồ quân, mái tóc hoe vàng, đôi mắt một mí đen láy, miệng cười chúm chím thật duyên.
Rồi những khuôn mặt khách du lịch háo hức, tò mò, đầy phấn khích ngắm nhìn và tham gia vào các hoạt động vui chơi như thi ẩm thực (giã bánh dầy), các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, tung Còn, đánh Tu lu, ném Pao, trò Tok mak lek… Không khí như nóng bỏng bởi tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của của cả dân chủ nhà lẫn khách du lịch. Cả một vùng cao nguyên rộn ràng trong âm thanh và sắc màu đắm say của ngày hội với hình ảnh chiếc khinh khí cầu màu vàng nổi bật trên nền trời xanh thẳm tạo nên một bức tranh núi rừng vừa hoang sơ, vừa lộng lẫy một cách kì ảo.
Khi đêm xuống, đêm chạm ngõ ngày 1/9, là một đêm không ngủ với những ai có mặt trên đất cao nguyên Mộc Châu này, một đêm giao tình của các chàng trai, cô gái giữa thiên nhiên và đất trời chứng kiến. Chẳng có tội lỗi, không có trái ngang và cũng chẳng nghi ngờ, ghen tuông, bạc ác. Chợ Tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình yêu và nỗi nhớ thương khôn cùng của các cặp tình nhân. Họ vất vả làm lụng, nhường nhịn nhau, may sắm quần áo đẹp cũng chỉ là để dành trọn vẹn cho đêm nay. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều mối tình đã nên duyên chồng vợ, nhưng cũng có nhiều đôi trai gái vì tục cướp vợ mà chẳng đến được với nhau. Họ mong mỏi cả năm để tìm đến đêm giao tình này để tâm sự, để trút vợi niềm thương nhớ cho nhau.
Du khách có ghé thăm phiên chợ đặc biệt này nhớ đừng làm phiền những khoảnh khắc lắng đọng của các cặp tình nhân. Hãy để họ có những phút giây riêng tư, thiêng liêng tan hoà cùng với trời đất. Để đến sáng hôm sau họ thanh thản về với núi rừng, những người phụ nữ Mông lại trở về với thân phận của những người đàn bà lầm lụi, lưng cong chạm trời, mặt vùi sát đất, tiếp tục một kiếp người nặng như vòng tóc độn đuôi ngựa cuốn quanh đầu họ. Những người đàn ông lại trần mình sớm tối mưu sinh, mộc mạc đấy, khảng khái đấy, nhưng lại dễ sa ngã vào cạm bẫy, lọc lừa.
Khó ai có thể lại hình dung ra hình ảnh người phụ nữ Mông vác người chồng say mèm đặt lên lưng ngựa, tay cầm cương, dắt ngựa thủng thẳng trở lại nhà sau Lễ hội. Một hình ảnh đẹp và nên thơ nhưng cũng khiến ta phải suy nghĩ về những phong tục cổ hủ và lạc hậu của người dân vùng núi cao. Cuộc sống hiện đại thay đổi còn nhanh hơn cả tiếng vó ngựa, chẳng biết nên vui hay nên buồn khi chợt nhìn thấy anh chồng say rượu nằm vật ngủ cạnh chiếc xe máy bên vệ đường, và cũng lại là người vợ, với ánh mắt nhìn xuống, đầy âu lo.
Ngày hội vui lắm, nhưng cũng nhiều nỗi lo lắm. Các dân tộc anh em được gặp nhau giao lưu học hỏi, được say cùng nhau men rượu nồng, cùng được vui tiếng khèn, chân xoay theo điệu múa, rung rinh tà váy, xoắn xuýt người đi, kẻ ở. Nhưng người Mông lo lắm, lo không còn giữ được phiên chợ tình này, vì những người trẻ khi lớn lên tiếp xúc nhiều với cái văn minh mà quên đi lễ hội truyền thống của dân tộc mình, lo những người xấu sẽ làm những điều xấu ảnh hưởng đến vẻ đẹp của phiên chợ giao tình này.
Rời khỏi những ngày sôi động, náo nhiệt, những khoảnh khắc giao hoà với thiên nhiên và con người nơi thảo nguyên xanh vời vợi, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều bồi hồi và không thể nào quên tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, tiếng Khèn xao xuyến bước chân ai, nếp váy thổ cẩm xoắn xuýt bước chân cô gái Mông đẹp như trái táo chín mọng. Tiếng cười ròn rã lấp loáng hàm răng trắng bóng của các chàng trai khi lôi kéo bạn tình… Tất cả tạo nên một ấn tượng không thể nào quên đối với những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất cao nguyên này – Ấn Tượng miền Tây Bắc xa xanh!
Tác giả: Nhà thơ Trang Hà